Save Preloader image

0%

WITH A SEQUEL YOU'RE ALWAYS TRYING TO GET BIGGER AND BETTER

Tàu chiến trong chiến tranh hiện đại!

Tàu chiến trong chiến tranh hiện đại!

Tàu chiến, một danh từ khá quen thuộc chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã một lần nghe qua. Song song với đó là hình ảnh những con tàu đồ sộ trông khá “ngầu” thường xuất hiện trên màn ảnh cũng như tin tức. Nhưng bạn đã biết tàu chiến hiện đại có đến 7 loại khác nhau tùy thuộc vào chức năng và nhiệm vụ của chúng. 

3 tàu chiến của anh

Tàu chiến là gì?

Tàu chiến đã bắt đầu xuất hiện ngay từ thế kỷ 18 và trường tồn cho đến nay. Từ tàu chiến chèo tay cho đến tàu chiến chạy bằng buồm, hơi nước và hiện đại hơn là những chiếc tàu chiến sử dụng năng lượng hạt nhân. Chúng đều là những con tàu được vũ trang để phục vụ cho mục đích quân sự và chiến đấu, được xem như tiềm lực cũng như đại diện cho sức mạnh hải quân đỉnh cao của một quốc gia.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện nay, các tàu chiến hiện đại được chia thành 7 loại cơ bản là tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu khinh hạm, tàu hộ tống, tàu đổ bộ và cuối cùng là tàu ngầm. Song song với đó là chức năng và nhiệm vụ khác nhau của mỗi chiếc. 

Ngoài ra còn một loại tàu chiến khá nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ nhất là thiết giáp hạm (BattleShip). Đây là những chiếc tàu được trang bị “kịch kim” những khẩu pháo cỡ lớn và được bọc thép khá kiên cố. Tuy nhiên do sự phát triển của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa, ngư lôi và máy bay chiến đấu trong thế chiến 2 đã khiến các khẩu pháo size khủng của thiết giáp hạm dần lạc hậu và không còn hữu dụng như trước. Điều này là lý do chính khiến thiết giáp hạm dần mất đi vai trò tác chiến hải quân và dần bị loại thải theo thời gian. Cho đến cuối thế kỷ 20 hầu như thiết giáp hạm đã hoàn toàn biến mất khỏi biên chế của các lực lượng hải quân trên toàn thế giới.

thiết giáp hạm
Thiết giáp hạm USS New Jersey (BB-62) từng tham gia hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ năm 1968 trong chiến tranh Việt Nam

Tất cả các chiến hạm đều sở hữu những sức mạnh đáng kinh ngạc. Vậy, đặc thù và vai trò tác chiến của những chiếc tàu quân sự hiện đại khác nhau như thế nào? Phân biệt chúng như thế nào khi một số chiến hạm có hình dáng khá giống nhau. Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu và phân biệt chúng trong bài viết dưới đây.

Tàu Sân Bay (Aircraft Carrier)

Tàu sân bay hay còn được gọi là hàng không mẫu hạm xuất hiện lần đầu vào đầu những năm 1920. Và đúng như tên gọi của nó, tàu sân bay được sinh ra với mục đích triển khai, phóng, thu hồi và bảo dưỡng các chiến đấu cơ trên biển. Không phải giống như, mà tàu sân bay thực chất đúng là một căn cứ không quân trên biển của một quốc gia với gần 5000 thuyền viên trên tàu bao gồm cả thủy thủ đoàn và các phi đội bay. Nó cho phép hoạt động các chiến dịch quân sự xa vùng lãnh thổ, hỗ trợ các đồng minh cũng như thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ trên biển.

Một chiếc tàu sân bay thường mang trên mình 65-70 chiếc phi cơ chiến đấu giúp chúng có thể thực hiện hơn 150 nhiệm vụ tấn công trong cùng 1 lúc và tấn công hơn 700 mục tiêu mỗi ngày. 

Dù được trang bị trên mình tên lửa đất đối không, súng và các hệ thống phòng thủ khác nhưng tàu sân bay ít khi di chuyển độc lập bởi khả năng cơ động thấp và kích thước lớn khiến chúng được xem là các mục tiêu dễ bị tấn công. Thay vào đó, những chiếc hàng không mẫu hạm thường sẽ di chuyển cùng một loại các tàu khác tạo thành 1 hạm đội hải quân. Trong đó các tàu quân sự khác như khu trục hạm, tàu hộ tống, khinh hạm và tàu tuần dương sẽ đóng vai trò hỗ trợ cũng như bảo vệ cho trung tâm chỉ huy hạm đội là tàu sân bay.

hạm đội tàu chiến thái bình dương
Một hạm đội tàu sân bay. Trong hình là hạm đội 7 hay còn gọi là hạm đội Thái Bình Dương nổi tiếng của xứ cờ hoa

Năng lượng của tàu sân bay lúc trước được cung cấp bởi dầu diesel, nhưng với sự phát triển của năng lượng nguyên tử dần dần các lớp tàu sân bay hiện nay đều được trang bị lò phản ứng hạt nhân giúp con tàu có thể vận hành liên tục 20-25 năm mà không cần cung cấp nhiên liệu. Ngoài vai trò trọng yếu trong sức mạnh hải quân, tàu sân bay còn được xem là một biểu tượng phô diễn tiềm lực và vị thế quân sự của bất kỳ quốc gia nào sở hữu chúng.

tàu sân bay USS Theodore Roosevelt
USS Theodore Roosevelt (CVN-71) – Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Nimitz thứ tư của Hải quân Hoa Kỳ

Tàu tuần dương (Cruiser)

Với tốc độ tối đa lên đến 30 hải lý trên giờ, trong thời chiến tàu tuần dương (hay còn gọi là tàu tuần duyên) phải hoạt động đơn độc trên biển để ngăn chặn các hoạt động thương mại của đối phương cũng như bảo vệ chiến tuyến. Tàu tuần dương thời nay chủ yếu mang tên lửa dẫn đường, trực thăng săn ngầm và thường có trọng lượng từ 1000-4000 tấn. Tuy vậy chức năng của nó thời nay cũng linh hoạt và khác nhau tùy vào mục đích sử dụng.

Điển hình như trong hải quân Hoa Kỳ tàu tuần dương chủ yếu đóng vai trò phòng không trong khi ở Nga chúng có nhiệm vụ chống hạm và phục vụ các chiến dịch quân sự khác như đột kích và bắn phá bờ biển của kẻ thù. Đi cùng với đó là các chức năng nhiệm vụ linh hoạt khác chẳng hạn như trinh sát, hộ tống các tàu sân bay hoặc tàu vận tải biển.

tàu tuần dương của Nga
Russian cruiser Moskva – Một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường của hải quân Nga

Tàu khu trục (Destroyer)

Vào năm 1986, một kỹ sư người Anh tên Robert WhiteHead đã phát minh ra ngư lôi tự hành dưới nước đầu tiên và được đặt theo tên ông là ngư lôi WhiteHead. Việc này đã thay đổi toàn cục diện quân sự trên biển vào thời điểm đó. Bấy giờ các thiết giáp hạm vốn được tháp tùng và bảo vệ chặt chẽ khỏi các mối nguy và hỏa lực của súng trên mặt nước. Nhưng việc ngư lôi WhiteHead ra đời đã làm dấy lên một mối nguy hiểm tiềm tàng bên dưới mặt nước cho loại tàu chiến này.

Những chiếc thiết giáp hạm và tàu tuần dương lúc bấy giờ tuy được trang bị những khẩu pháo cỡ lớn nhưng tốc độ ngắm bắn lại khá chậm và cồng kềnh. Bỗng nhiên một loại vũ khí mới xuất hiện, có thể mang theo trên những con tàu nhỏ và nhanh khó bị bắn trúng, vượt qua các lớp hàng rào phòng thủ trên mặt nước một cách dễ dàng và tấn công những con tàu lớn bên dưới mặt nước. Việc này đã khiến các kỹ sư phải thiết kế ra một loại tàu chiến mới để đối phó với vấn đề này, đó chính là lúc tàu khu trục được thiết kế và đưa vào biên chế hải quân.

Tàu chiến phóng lôi lớp Turya của Hải quân Việt Nam
Tàu phóng lôi lớp Turya của Hải quân Việt Nam

So với tàu tuần dương, tàu khu trục được thiết kế với kích thước nhỏ hơn, linh động hơn và được trang bị tốt hơn chuyên dụng cho việc đối phó với tàu phóng lôi. Mục đích ban đầu của tàu khu trục để bảo vệ hạm đội và các tàu lớn khỏi các cuộc tấn công trên và dưới mặt nước. Dần dần chúng được tích hợp thêm ngư lôi trên mình. Cho phép chúng đóng vai trò vừa phòng thủ vừa tấn công các tàu chiến khác của đối phương khi chúng vượt ngoài phạm vi tấn công của tàu phóng lôi nhỏ.

Với nhiệm vụ bảo vệ và tác chiến, chúng được trang bị tên lửa phòng không, tên lửa hành trình và những ụ pháo lớn trước sau. Ngoài ra với sự phát triển của tàu ngầm, các tàu khu trục cũng đồng thời được trang bị các trang thiết bị chống ngầm chuyên dụng như hệ thống SONAR (Sound Navigation and Ranging), các thiết bị đo độ sâu và bom chìm khiến cho chúng trở thành kẻ thù số 1 của tàu ngầm cũng như là “kẻ gác đền” hàng đầu của lực lượng hải quân.

JS Shiranui (DD-120) – Tàu khu trục lớp Asahi của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản
JS Shiranui (DD-120) – Tàu khu trục lớp Asahi của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản

Khinh hạm (Frigate)

Tương tự tàu khu trục, khinh hạm (hay tàu khu trục nhỏ) là một loại tàu khá phổ biến trong lực lượng hải quân. Chúng được thiết kế với khả năng cơ động và nhanh để hộ tống và bảo vệ các con tàu mẹ khỏi các mối đe dọa trên không, trên mặt nước và dưới nước. Vì bản chất khá giống nhau nên khu trục hạm và khinh hạm thường bị nhầm lẫn với nhau. Có thể gọi khinh hạm là một phiên bản “mini” của tàu khu trục. Trong khi đó ở các lực lượng hải quân của Châu Âu thường sử dụng thuật ngữ “Tàu khu trục” dùng chung cho cả khu trục hạm và khinh hạm của họ.

Thông thường kích thước của một chiếc khinh hạm (130-150m) sẽ nhỏ hơn khu trục hạm (150-200m), nhưng khá thú vị ở chỗ dù vậy thì tốc độ của khinh hạm lại chậm hơn tàu khu trục. Chúng thường mang theo dàn pháo chính nhẹ hơn tàu khu trục và có thể trang bị trên mình súng phòng không và một số ống phóng ngư lôi nhỏ. 

Khinh hạm Sachsen-Anhalt (F224) của lực lượng hải quân Đức
Khinh hạm Sachsen-Anhalt (F224) của lực lượng hải quân Đức được mệnh danh là khinh hạm đắt đỏ nhất thế giới

Trong khi tàu khu trục với kích thước lớn hơn nên sẽ dễ dàng mang theo hệ thống Radar mạnh mẽ hơn và có độ phân giải cao, các ống phóng tên lửa thẳng đứng với tên lửa phòng không, tên lửa tấn công mặt đất và cung cấp khả năng phòng không tuyệt vời cho cả hạm đội. Thì khinh hạm với kích thước hạn chế hơn sẽ không được trang bị quá đầy đủ như “đàn anh” của mình, do vậy chúng có thể cung cấp khả năng phòng không hạn chế cho chính nó và các tàu ở gần nhưng không thể tạo thành các lưới phòng không như tàu khu trục. 

Vì vậy, chúng có xu hướng được sử dụng chủ yếu cho vai trò chống ngầm cũng như phòng không tầm ngắn như là một phần bổ sung. Sức mạnh và chức năng của khinh hạm chủ yếu đến từ vũ khí chống ngầm và các hệ thống SONAR nâng cao. Đi kèm với đó là các nhà chứa và máy bay trực thăng có khả năng nhận diện và tấn công tàu ngầm sử dụng ngư lôi và mìn.

Khinh hạm của hải quân Ý
Carlo Margottini (F 592) – Khinh hạm của hải quân Ý với nhà chứa và sân đáp trực thăng phía sau

Trong khi khu trục hạm chỉ xuất hiện ở 13 đơn vị hải quân có tiềm lực mạnh như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia khác thì khinh hạm dường như phổ biến hơn với sự xuất hiện hầu hết ở các lực lượng hải quân trên thế giới như một phần không thể thiếu.

Tàu hộ tống (Corvette)

Các con tàu nhỏ hơn khinh hạm thường xác định là một con tàu hộ tống, tàu tên lửa hoặc tàu tác chiến nhanh. Nhờ vào kích thước nhỏ gọn cùng tốc độ lên đến hơn 40 hải lý trên giờ nên chúng thường đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra và hoạt động gần bờ với số thủy thủ đoàn dưới 50 người. Dù vậy, trong các nhiệm vụ tấn công tàu hộ tống cũng sẽ được trang bị tên lửa chống hạm và vẫn được cung cấp các cấp độ vũ khí theo yêu cầu.

Một điểm thú vị khác đến từ thiết kế mô-đun hiện đại của tàu tác chiến ven biển khiến chúng có thể cấu hình lại chức năng của mình tùy thuộc vào mục đích sử dụng khác nhau bằng cách thay đổi hệ thống vũ khí, cảm biến và phi hành đoàn của chúng. Những thay đổi mô-đun này được biết đến mất nhiều giờ để thay đổi, nhưng thực tế sẽ mất khá nhiều thời gian hơn.

Tàu hộ tống INS Kavaratti (P31) của Ấn Độ
Tàu hộ tống INS Kavaratti (P31) của Ấn Độ đang trên đường tuần tra

Tàu tấn công đổ bộ (Amphibious Assault ship)

Với thiết kế được phát triển từ tàu sân bay, không có gì đáng ngạc nhiên khi tàu tấn công đổ bộ thường hay bị nhầm lẫn với những chiếc hàng không mẫu hạm. Chúng sinh ra để sử dụng cho những cuộc đổ bộ mặt đất trên lãnh thổ của đối phương. Nhờ thiết kế độc đáo của mình, chúng chủ yếu hỗ trợ máy bay trực thăng, cũng như chở theo những mẫu chiến đấu cơ có thể hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trên đường băng ngắn. Ở phía đuôi tàu sẽ là một cửa dẫn vào boong giếng, nơi hạ thủy và thu hồi những con tàu đổ bộ bên trong tàu.

Tàu đổ bộ USS America
Tàu đổ bộ USS America (LHA-6) của hải quân Hoa Kỳ
Boong giếng phía sau
Boong giếng phía sau cho phép hạ thủy và thu hồi và lưu trữ các tàu đổ bộ nhỏ bên trong

Tàu Ngầm (Submarines)

Tàu ngầm là một phương tiện thủy đặc biệt được thiết kế để hoạt động bên dưới mặt nước. Khác với tàu lặn sẽ bị hạn chế ở một độ sâu nhất định, tàu ngầm có thể hoạt động sâu dưới lòng đại dương và thực hiện các nhiệm vụ bí mật. Giống như hầu hết các loại tàu và phương tiện đường thủy khác, dù là kích cỡ nào thì tàu ngầm vẫn được xác định là một chiếc “thuyền”. Và thông thường tàu ngầm sẽ được chia làm 3 lớp chính là tàu ngầm tấn công, tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. 

Trong đó tàu ngầm tấn công có kích thước nhỏ và hoạt động nhanh. Mang trong mình vũ khí chính là ngư lôi và sẽ thực hiện được nhiều nhiệm vụ đa năng hơn.

Tàu ngầm mang tên lửa hành trình thì ngược lại. Chúng thường có kích thước lớn hơn và chạy chậm hơn. Bởi đặc tính kỹ thuật nên chúng thường sẽ tập trung chủ yếu vào các cuộc tấn công đường dài bằng tên lửa dẫn đường. 

Cuối cùng là tàu ngầm tên lửa đạn đạo, những “kẻ hủy diệt” âm thầm này có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm cùng với đầu đạn hạt nhân. Theo định danh của hải quân Mỹ, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân được ký hiệu là SSB và SSBN – SS nghĩa là submarine (hay submersible ship), B là viết tắt của ballistic missile, và N biểu thị nuclear powered. Chúng đóng vai trò khá quan trọng trong chiến tranh lạnh cũng như thời điểm hiện tại bởi khả năng răn đe hạt nhân, khả năng di chuyển yên tĩnh khó phát hiện và khoảng cách bắn lên đến hàng ngàn kilomet tới mục tiêu. 

Đa số năng lượng hoạt động của tàu ngầm đến từ động cơ diesel điện, động cơ đẩy không cần không khí. Nhưng hiện nay nhờ sự tiện lợi của năng lượng hạt nhân, các tàu ngầm hầu hết đã chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng này. Giúp chúng thể hoạt động lâu dài dưới biển mà không cần tiếp nhiên liệu, thuận lợi cho việc các hoạt động quân sự và khó bị lộ vị trí.

Tàu ngầm hải quân hoàng gia Anh
Tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân của lực lượng hải quân Hoàng Gia Anh

Nhìn chung và xem xét 7 loại loại tàu chiến vừa rồi ta có thể thấy ba loại tàu khá dễ phân biệt với nhau nhất sẽ là tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ và tàu ngầm bởi hình dáng, kích thước và vai trò của chúng. Tuy nhiên sự khác biệt của khu trục hạm, khinh hạm, tàu hộ tống và tàu tuần dương đã dần bị mờ nhạt theo thời gian. Hiện nay gần như hầu hết chúng đều được kết hợp các hệ thống chống hạm, phòng không và chống ngầm, đồng thời kích thước cũng không nhất thiết phải nằm trong tên gọi hay lớp truyền thống của chúng.

Tương tự như Iphone, Ipod và Ipad trước đây được sử dụng cho những mục đích khác nhau, nhưng hiện nay chúng đều có máy ảnh. Nhưng ít ra, chức năng chính của chúng vẫn khác nhau.

Leave a Comment