Al-Mansur 121m của Saddam Hussein : Từ cung điện nổi thành một điểm câu cá dã ngoại
Al-Mansur dịch ra có nghĩa là “Kẻ chiến thắng” hay “Kẻ Chinh Phục”. Những cái tên nghe khá là hào nhoáng và phù hợp cho chiếc du thuyền dài 121m của Saddaam Hussein – vốn được mệnh danh là một nhà độc tài vĩ đại của quốc gia Iraq. Và cũng thật mỉa mai khi số phận của nó lại trái ngược với tên gọi, khi mà giờ đây nó đang bị lật úp trên một con sông ở miền nam Iraq, rỉ sét từng ngày và trở thành một địa điểm câu cá và dã ngoại cho người dân địa phương.
Cung điện nổi của cố Tổng thống
Được xây dựng lần đầu vào năm 1982 tại Phần Lan với giá trị ước tính rơi vào khoảng 25 triệu USD lúc bấy giờ. Al-Mansur được ví như một tòa cung điện khổng lồ cũng như một pháo đài trên mặt nước của Saddam Husein. Với thiết kế được chắp bút bởi Knud E Hansen ở Đan Mạch, chiếc du thuyền được đồn đoán có những chi tiết bằng vàng nguyên khối được trang trí bên trong lẫn bên ngoài du thuyền. Và một giếng trời nổi bật ngay chính giữa boong trên của tàu với một mái vòm bằng kính gợi đến hình ảnh của những đài quan sát thiên văn.
Được biết, chiếc du thuyền 121m này cũng được “custom” riêng theo yêu cầu cá nhân của vị cố Tổng thống, bao gồm những thứ tốt nhất bằng đá cẩm thạch, những loại gỗ quý và những phụ kiện bằng kim loại quý.
Đặc biệt hơn nữa là một lối thoát hiểm bí mật từ cabin chính dẫn đến một chiếc tàu lặn cho phép nhà lãnh đạo rời khỏi tàu trong trường hợp khẩn cấp.
Trốn chạy!
Và chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Vào tháng 3 năm 2003, căng thẳng giữa Mỹ và Iraq đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đối mặt với cuộc xâm lược sắp tới, tổng thống Iraq lúc đó, Saddam Hussein, đã ra lệnh cho chiếc du thuyền al-Mansur yêu quý của ông rời bến tại thành phố cảng Umm Qasr và di chuyển 36 hải lý lên sông để được đóng quân tại Basrah. Basrah là một thành trì của Iraq, sản xuất ra nhiều dầu mỏ của đất nước và nằm ở vị trí chiến lược tại sự hội tụ của hai con sông.
Tuy nhiên, đây vốn dĩ chỉ là một chiếc “Du thuyền” chứ không phải một con tàu quân sự thực thụ. Mặc dù được trang bị cửa sổ chống dạn dày gần 5cm, bó thêm boong thép gia cố và các cơ sở bệnh viện cao cấp trên tàu nhưng nó vẫn không chống chịu được những đợt không kích của quân đội Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công của không quân Mỹ
Có thông tin cho rằng các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh đã chặn được một đường truyền vô tuyến từ đó lần ra được vị trí của chiếc du thuyền. Trên đường di chuyển ngược sông để đến Basrah, nó đã bị tấn công đánh bom bởi lực lượng không quân Hoa Kỳ. Các đầu đạn đã phát nổ trước khi va chạm, thổi bay phần lớn khu vực boong trên của chiếc thuyền. Tám đầu đạn được xác nhận đã đánh trúng mục tiêu và mặc dù không đánh đắm được chiếc du thuyền, nhưng cũng đủ để nhấn chìm nó trong bể lửa, khiến nó không thể tiếp tục hoạt động được.
Cảnh tượng mỉa mai
Một cảnh tượng đáng chú ý và mỉa mai khi chứng kiến chiếc du thuyền khổng lồ của nhà độc tài trôi dạt trên sông Shatt al-Arab, khi cái tên với ý nghĩa “Kẻ chiến thắng” hay “Kẻ chinh phục” được in trên mũi tàu vẫn còn đứng sừng sững ở đó. Trong khi giờ đây chiếc du thuyền chỉ còn là một thân tàu cháy đen, rỉ sét và không còn nguyên vẹn.
Số phận hẩm hiu
Giống như hầu hết các du thuyền thuộc sở hữu của các nhà độc tài, Al-Mansur là biểu tượng cho quyền lực và sự nổi bật của Hussein. Nó được chuyển giao vào năm 1983 (cùng năm mà Hussein gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Donald Rumsfeld) bởi xưởng đóng tàu Wärtsilä của Phần Lan (hiện đã không còn tồn tại) và như một món quà từ Hoàng gia Ả Rập Xê Út. Chiến tranh đang diễn ra ở Iraq đã làm phức tạp quá trình giao nhận con tàu (con tàu được hoàn thành về mặt kỹ thuật vào năm 1982) và được cất giữ tại xưởng đóng tàu ở Phần Lan trước khi có thể được bàn giao vào năm sau ở Maroc.
Nhưng sau vụ đánh bom, Al-Mansur giờ đây chỉ còn là một cục sắt nổi cháy sém trên sông, khác xa với hình ảnh một chiếc cung điện xa hoa mà nó từng có. Mặc dù vậy, ngay cả trong tình trạng tồi tệ như thế thì bên trong chiếc du thuyền vẫn còn rất nhiều đồ vật giá trị của Saddam Hussein. Tất cả những thứ giá trị bên trong cung điện bị thất thủ này đều được chính quyền cảng địa phương và các quan chức đại diện cho Hussein thu giữ và giải quyết. Bao gồm trong đó là những đồ dùng bằng bạc đắt tiền, các mảng đá cẩm thạch chắc chắn, các tấm gỗ quý và thậm chí là cả những món đồ nội thất bằng vàng nguyên khối.
Vùng chiến sự
Cũng có nguồn tin cho rằng chiếc du thuyền này cũng đã bị cướp. Những kẻ cơ hội sau khi cướp bóc đã bắt đầu cắt bỏ thân tàu để bán phế liệu sau khi vơ vét hết tất cả những gì còn sót lại. Tất nhiên là không ai ngăn cản được việc này, vì vốn dĩ con tàu đang nằm trong một vùng chiến sự, nơi mà loạn lạc và bất ổn định là những điều xảy ra hằng ngày ở khu vực này.
Du thuyền của Hussein vẫn đứng thẳng trong vài năm sau vụ đánh bom nhưng cuối cùng bị đánh đắm và nằm chung số phận với một số con tàu bị đắm khác đang rỉ sét ở vùng nước nông ở đó. Như một minh chứng và một lời nhắc nhở liên tục về hậu quả tàn khốc của chiến tranh.
Điểm dã ngoại lý tưởng!?
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc trục vớt con tàu. Về việc đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt chính của người dân địa phương. Nhưng không ai biết được liệu có “kế hoạch di dời sớm” nào được đề ra hay không khi mà đây là xác tàu lớn nhất bị chìm dưới sông. Và việc tháo dỡ và di dời nó được xem là khá tốn kém và phức tạp. Ngày nay, một phần còn sót lại của Al-Mansur đang được các ngư dân địa phương tận dụng như một khu vực dã ngoại và câu cá. Một địa điểm câu có thể gọi là vô giá trên boong của một chứng tích chiến tranh, một phần từng là khu vực bất khả xâm phạm của cựu lãnh đạo Iraq.
“Khi nó thuộc sở hữu của cựu tổng thống, không ai có thể lại gần nó”, ngư dân Hussein Sabahi nói khi anh tận hưởng việc kết thúc một ngày dài trên sông bằng một tách trà trên xác tàu.
“Tôi không thể tin rằng cái này thuộc về Saddam và bây giờ tôi là người di chuyển xung quanh nó,” anh nói.
Chứng tích chiến tranh
Al-Mansur là một trong ba chiếc du thuyền từng được xây dựng cho Hussein nhưng chắc cũng là chiếc du thuyền có số phận bi đát nhất trong cả ba. Trong khi chiếc Basrah Breeze 82m vẫn ở trên mặt nước và trong tình trạng tốt như khi nó mới được hạ thủy vào hơn 40 năm trước, sau khi được rao bán vào năm 2007 và không tìm được chủ nhân. Bên cạnh đó là một chiếc du thuyền 60m khác được thiết kế để phục vụ việc du ngoạn trên sông cho vị cố Tổng thống cũng mang một lớp hoàn thiện sang trọng và khả năng bảo vệ cấp độ quân sự. Song số phận của nó vẫn là một bí ẩn.
Al-Mansur có thể không phải là biểu tượng sức mạnh chiến thắng mà chủ nhân của nó nghĩ đến, nhưng sẽ là một đại diện cho một chiến thắng nhỏ của người dân Iraq. Sau nhiều năm xung đột, Iraq đang tự sửa chữa và những kỷ vật về quá khứ đầy rắc rối của họ đang dần phai nhạt – giống như thân tàu mục nát của al-Mansur .