Các ký hiệu thường thấy trên thân tàu và ý nghĩa của chúng.
Với bất cứ ai có sở thích về hàng hải nói chung và tàu thuyền nói riêng, chắn hẳn cũng đã từng thấy những kí hiệu, những kí tự được sơn bên cạnh thân tàu và thắc mắc về ý nghĩa của những biểu tượng kỳ lạ này.
Vậy những biểu tượng đó là gì? ý nghĩa của chúng ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để lần tới khi bạn bắt gặp lại những biểu tượng này, bạn có thể có thêm một kiến thức chuyên môn hơn về nghành hàng hải, về du thuyền cũng như các con tàu khác.
Các dấu hiệu trên thân tàu để làm gì?
Các kí hiệu dễ bắt gặp trên thân tàu nhất thường nói lên một điều gì đó về những khu vực cụ thể ở thân tàu cũng như các khía cạnh nhất định liên quan đến tàu mà những người làm việc trong nghành hàng hải phải đọc và hiểu được ý nghĩa của nó. Nói một cách dễ hiểu hơn là nó sinh ra với mục đích chính là phục vụ cho việc thể hiện chức năng của tàu cũng như tiêu chuẩn an toàn cho chính con tàu đó.
Sau đây là một số các kí hiệu thường xuyên được nhìn thấy :
- Vạch tải quốc tế (International Load Line marking)
- Dấu mớn nước (Draft marking)
- Đánh dấu vị trí chân vịt mũi (Bow Thruster marking)
- Đánh dấu vị trí kéo và không kéo (Tug/No Tug marking)
- Đánh dấu tàu có mũi quả lê (Bulbous Bow Marking)
- Đánh dấu vị trí bộ vây ổn định tàu (Ship Stabilizers marking)
1. Vạch tải quốc tế (International Load Line marking)
Vạch tải trọng (Plimsoll Line) hay vạch tải quốc tế (International Load Line marking) có lẽ là Kí hiệu quan trọng nhất và thường được thấy trên tất cả các tàu hàng hải. Với biểu tượng là một hình tròn có đường cắt ngang qua nó.
Plimsoll Line được tạo ra vào năm 1876 bởi Samuel Plimsoll, một thành viên của Quốc hội Anh, sau khi một con tàu và thủy thủ đoàn của nó bị mất tích trên biển do cố tình chở quá tải số lượng hàng hóa trên tàu.
Vạch tải quốc tế thường được sơn ở giữa mạn tàu và cho biết độ chìm của tàu bên dưới mặt nước (khoảng cách giữa đường mớn nước và đáy thân tàu) có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả sự thay đổi nhiệt độ và mật độ của nước.
2. Kí hiệu Dấu mớn nước (Draft marking)
Dấu mớn nước là những con số được đặt theo chiều thẳng đứng ở vị trí mũi và đuôi tàu. Mục đích của chúng là đo khoảng cách mớn nước giữa mực nước và điểm thấp nhất trên thân tàu, khoảng cách này sẽ dao động tùy thuộc vào số lượng hàng hóa mà con tàu mang trên mình.
Bằng cách quan sát dấu hiệu này, các thủy thủ đoàn và thuyền trưởng sẽ dễ dàng nhận biết được rằng liệu con tàu của mình có đang bị quá tải, có đang bị sắp xếp số lượng hàng hóa không đều khiến con tàu có đang bị nghiêng và mất cân bằng hay không.
3. Kí hiệu đánh dấu vị trí chân vịt mũi (Bow Thruster marking)
Biểu tượng để được đánh dấu vị trí chân vịt mũi là một vòng tròn với chữ X bên trong. Nó chỉ ra vị trí của chân vịt mũi, một bộ phận lắp ở phía mũi tàu (nằm dưới nước) giúp tàu di chuyển dễ dàng hơn ở tốc độ thấp như khi ra vào cảng, đổi hướng và quay đầu theo chiều ngang.
Tương tự như ở mũi tàu, biểu tượng này cũng có thể được nhìn thấy ở phần đuôi của một số con tàu. Thông thường những con tàu có kí hiệu này sẽ sử dụng hệ thống chân vịt mũi để thực hiện các thao tác ra vào cảng mà không cần nhờ đến những tàu đẩy và tàu kéo khác. Trong một số trường hợp khác, các tàu lai dắt sẽ nhờ vào những kí hiệu này để tránh đẩy vào những vị trí có chân vịt mũi và mũi quả lê, tránh gây hại cho tàu.
4.Kí hiệu tàu có mũi quả lê
Kí hiệu này thể hiện rằng con tàu có phần mũi quả lê, là phần nhô ra ở mũi con tàu nằm dưới mớn nước có tác dụng triệt tiêu một phần sóng ở mũi cho tàu. Thông thường phần mũi này sẽ nằm hoàn toàn dưới nước và ít khi được nhìn thấy ở điều kiện bình thường (trừ khi nó là một con tàu chở hàng và chưa được chất đầy hàng). Do đó một kí hiệu gần giống như một số 5 bị mất phần gạch ngang trên đầu sẽ được đánh dấu ngay phần mũi tàu, để các tàu lai dắt và các nhân viên điều độ cảng nhận biết giúp tránh các thiệt hại cho tàu khi di chuyển trong cảng.
5. Đánh dấu vị trí kéo và không kéo (Tug/No Tug)
Cùng với các kí hiệu hình học là các kí hiệu chữ cái quan trọng cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy xung quanh mạn tàu. Cửa dịch vụ để ra vào và chất dỡ hàng hóa trên tàu được đánh dấu và bảo đảm an toàn bằng hai chữ “No Tug”, ngoài ra cũng tương tự như vậy với các vị trí mà tàu kéo có thể ở gần và kéo tàu an toàn sẽ được viết với kí hiệu chữ “Tug”
6. Kí hiệu vị trí bộ vây ổn định tàu (Ship Stabilizers marking)
Ở các du thuyền du lịch (Cruise Ship) và những con tàu có kích thước lớn, để giảm độ rung lắc do sóng và tạo ra một không gian êm ái nhất cho hành khách trên tàu khi đi qua các vùng nước động. Các kỹ sư đã trang bị cho tàu một bộ ổn định như những chiếc vây dưới nước cho tàu. Thông thường những chiếc vây này sẽ nhô ra hai bên như một những chiếc vây cá với nguyên lý hoạt động là điều phối dòng chảy của nước bên dưới thuyền giúp tàu ổn định và an toàn, không lắc lư khi bị sóng tác động vào.
Và tất nhiên là sẽ không có ai muốn hệ thống này bị hư hại trong những trường hợp bất khả kháng khi ra vào cảng hoặc khi tàu lai dắt ở gần. Việc đó có thể dẫn tới lộ trình của con tàu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và quá tốn kém, quá khó khăn cho việc sửa chữa một con tàu khổng lồ. Vì vậy một kí hiệu có hình dạng gần giống một chai nước sẽ được đánh dấu ngay phía trên bộ vây ổn định để các con tàu khác biết được phần thân tàu bên dưới nước có gì và không tiếp cận quá gần.